Chiến lược Đầu tư 2019 - Chọn mặt gửi vàng
- Phaisinh.vn
- Jan 30, 2019
- 6 min read

I. Góc nhìn vĩ mô
GDP tăng trưởng mạnh và đồng tiền ổn định là hai nhân tố tạo nên sự khác biệt của Việt Nam trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2018. GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,08% trong năm 2018, được hỗ trợ bởi sản xuất công nghiệp (+13,0%), tiêu dùng (+7,2%) và xuất khẩu (+13,0%). Lạm phát được duy trì trong tầm kiểm soát cho dù tăng trưởng tín dụng ước tính đạt 14,0%, trong bối cảnh đồng Việt Nam mất giá 2,2% so với USD và là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực nhờ thặng dư thương mại 7 tỷ USD và tài khoản vãng lai đạt 7,1 tỷ USD cuối năm 2018. Trong khi đó, các đồng tiền ở các thị trường cận biên và mới nổi khác mất giá mạnh so với đồng USD, và tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ ổn định ở mức 3,7% năm 2018.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và một loạt các hiệp định thương mại mới đã giúp Việt Nam tăng sự hiện diện trên bản đồ sản xuất thế giới. Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích và là nhân tố chính trong chiến lược “Trung Quốc +1” của các tập đoàn sản xuất và bán lẻ lớn trên thế giới. Lợi thế của Việt Nam là chính trị ổn định, môi trường kinh doanh thân thiện, bờ biển dài thuận lợi cho giao thông, vận chuyển và vị trí địa lý gần các khu vực sản xuất của Trung Quốc, đối lập với vị thế ngày càng tách biệt về cả kinh tế và thương mại của Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua việc vốn FDI giải ngân tăng 9,1% trong năm 2018 và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 12,2% trên cơ sở tăng cường hội nhập thương mại.
Sự giảm tốc kinh tế toàn cầu, những thách thức về thương mại và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có thể khiến tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam giảm còn 6,6%. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn sẽ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới. Xu hướng dịch chuyển công xưởng sản xuất mới của thế giới đang trở nên rõ nét hơn đối với các ngành xuất khẩu, phản ánh qua việc Foxconn đang thỏa thuận để xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam, cũng như việc số lượng đơn hàng dệt may xuất khẩu tăng mạnh. Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn FDI vào thị trường vẫn tích cực, và tăng trưởng xuất khẩu ở mức hai chữ số sẽ hỗ trợ tài khoản vãng lai và đồng tiền Việt Nam, giúp giảm nhẹ tác động của việc tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 14-15% lên tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Chúng tôi cũng dự báo đồng Việt Nam sẽ mất giá nhẹ 2% trong năm 2019, trừ trường hợp xảy ra những cú sốc nghiêm trọng từ bên ngoài.
Rủi ro từ thế giới vẫn đang hiện hữu. Nền kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng từ nhiều phía, bao gồm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung kéo dài, Brexit gặp nhiều khó khăn để đi đến một thỏa thuận thống nhất, chính phủ Mỹ đóng cửa, nợ doanh nghiệp của Mỹ đang ở mức cao kỷ lục và tác động giảm dần của chính sách tài khóa mở rộng tại Mỹ. Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ ngày càng chịu nhiều rủi ro từ một cú sốc gây ra bởi bất cứ yếu tố nào kể trên. Số liệu vốn FDI đăng ký vào Việt Nam giảm 1,2% trong năm 2018 cũng là minh chứng cho việc căng thẳng thương mại và bất ổn về chính sách đang ảnh hưởng như thế nào đến dòng tiền đầu tư trên toàn cầu.
II. Triển vọng năm 2019
Chúng tôi dự báo VNINDEX sẽ kết thúc năm 2019 ở mức 990 điểm, tăng 11% so với năm 2018, với khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư thu hẹp lại gây tác động tâm lý lên thị trường cổ phiếu. Sự điều chỉnh của thị trường Việt Nam trong năm 2018 sau đà tăng mạnh năm 2017 là bước khởi đầu cho việc chuyển hướng phong cách từ đầu tư theo xu hướng sang đầu tư tăng trưởng và đầu tư giá trị. Khi P/E của thị trường đã giảm mạnh từ mức đỉnh 21,9x trong năm 2018 xuống còn trung bình 15,5x và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2018 là 25%, điều này sẽ thu hút những nhà đầu tư dè dặt nhất quay trở lại thị trường, dù tương đối thận trọng.
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam đang giao dịch ở mức P/E tương lai 13,3x, trên cơ sở tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp đạt 16,4% trong năm 2019, theo dự báo chung của thị trường, tương đương với mức PEG thấp hơn 44,9% so với trung bình các thị trường mới nổi và cận biên khác. Chúng tôi dự báo VNINDEX có thể vượt mốc 1.000 điểm trong nửa đầu năm nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại và Trung Quốc thực hiện các chính sách mở rộng tài khóa, mặc dù đà tăng này chỉ mang tính ngắn và trung hạn.
Triển vọng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể sẽ còn mất vài năm nữa, nhưng việc sửa đổi Luật Chứng khoán có thể là yếu tố củng cố thêm khả năng nâng hạng cho Việt Nam. Luật Chứng khoán mới (đang được sửa đổi) nếu có hiệu lực có thể giúp giảm thiểu thời gian thực hiện giao dịch và cải thiện hoạt động công bố thông tin trên thị trường, là những yếu tố góp phần giúp Việt Nam được nâng hạng thành thị trường mới nổi. Việc này có thể tạo ra tâm lý tích cực trên thị trường, thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư và giúp chỉ số VNINDEX tăng cao hơn kịch bản cơ sở của chúng tôi.
Chúng tôi đánh giá cao các cổ phiếu tăng trưởng trong năm 2019 và khuyến nghị nhà đầu tư chuyển hướng từ những cổ phiếu mang tính chu kỳ sang các cổ phiếu phòng thủ trong nhóm ngành Tiêu dùng, Ô tô và Điện. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong lĩnh vực Tiêu dùng, bán lẻ, chúng tôi ưa thích các doanh nghiệp đầu ngành như PNJ, MWG và QNS. Chúng tôi dự báo ngành Ô tô sẽ tăng tốc trong năm 2019 và đưa VEA vào danh mục các cổ phiếu đáng chú ý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành chuyển phát, VTP, là lựa chọn hấp dẫn để tham gia câu chuyện tăng trưởng thương mại điện tử và cách mạng bán lẻ tại Việt Nam.
Trong nhóm các cổ phiếu mang tính chu kỳ, chúng tôi ưa thích một số cổ phiếu ngân hàng và BĐS nhất định với câu chuyện tăng trưởng rõ ràng: MBB với tiềm năng trong mảng cho vay bán lẻ, VCB và ACB với vị thế dẫn đầu trong mảng tiền gửi, chất lượng tài sản tốt và lượng vốn dự trữ lành mạnh.
Trong mảng BĐS, chúng tôi khuyến nghị NLG và đưa VHM vào danh mục theo dõi trên cơ sở danh mục dự án đa dạng, tiến độ bán hàng khả quan và tập trung vào nhu cầu thực của khách hàng. Cuối cùng, chúng tôi cho rằng nhà thầu xây dựng hàng đầu CTD có thể hưởng lợi từ tăng trưởng mạnh mẽ trong khu vực xây dựng công nghiệp và BĐS nhà ở, đặc biệt từ nguồn dự án nhà ở Vincity chuẩn bị được thực hiện. Ngoài ra, PC1 và POW là lựa chọn tiêu biểu của ngành Điện trong bối cảnh nhu cầu điện vẫn gia tăng và câu chuyện tự do hóa ngành.
Chúng tôi vẫn ưa thích ngành Dệt may, Thủy sản và BĐS Khu Công nghiệp do những ngành này sẽ được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và một loạt các hiệp định thương mại mới ký kết, ví dụ như CPTPP. KBC và LHG là những cái tên nổi bật trong phân khúc BĐS Khu Công nghiệp, trong khi STK, TCM và MSH là những doanh nghiệp hưởng lợi lớn trong ngành Dệt may. Trong ngành Thủy sản, chúng tôi cho rằng VHC là cái tên đáng chú ý nhất nhờ quy mô sản xuất lớn, vị thế dẫn đầu về xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trong khi nhu cầu cá tra tại thị trường Trung Quốc cũng đang tăng mạnh.
Ngành Dầu khí đang đợi chờ sự thay đổi góc nhìn của nhà đầu tư nhờ sự hồi phục của giá dầu. Chúng tôi cho rằng giá dầu nhiều khả năng đã tạo đáy nhờ sự cắt giảm nguồn cung của OPEC bù đắp cho các lo ngại xoay quanh việc giảm nhu cầu tiêu thụ dầu và Trung Quốc có vẻ như đang tích trữ dầu khi giá mặt hàng này đang thấp. Rủi ro về an ninh năng lượng có thể đẩy mạnh tốc độ khai thác tại Việt Nam, tuy nhiên căng thẳng địa chính trị cũng có thể là trở ngại. Chúng tôi ưa thích doanh nghiệp nằm ở cuối chuỗi giá trị là PVT do hưởng lợi từ việc nâng cấp công suất lọc dầu của Việt Nam.
(Theo VnDirect)
Comments